Public Affairs Section, American Embassy Hanoi



Trọng tâm
Khía cạnh kỹ thuật số của sự phát triển: Một cách tiếp cận chiến lược
Bình luận
Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Tháng 11 năm 2003, Tập 8, Số 3

MẠNG Internet ĐANG PHÁT TRIỂN

KHÍA CẠNH kỸ THUẬT SỐ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN:
MỘT CÁCH TIẾP CẬN CHIẾN LƯỢC
Bài viết của Đại sứ David A. Gross
Điều phối viên của Hoa Kỳ về Chính sách Thông tin và Viễn thông và Quốc tế

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng quyền tự do đổi mới, sáng tạo và chia sẻ ý tưởng có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển. Ông miêu tả cách thức mà Chính phủ Hoa Kỳ đang sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để đạt được các mục tiêu phát triển.

"Trong thế kỷ mới, tăng trưởng sẽ dựa trên thông tin và cơ hội. Thông tin điều khiển thị trường, đảm bảo phản ứng nhanh chóng trước các cuộc khủng hoảng về y tế như SARS, và tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho xã hội. Những vấn đề then chốt đối với sự thịnh vượng trong một nền kinh tế thông tin là giáo dục, sáng tạo cá nhân và một môi trường tự do về chính trị và kinh tế. Một môi trường tự do về kinh tế và chính trị là điều kiện tiên quyết đối với những tiến bộ mà chúng ta đang nói tới".

-- Ngoại trưởng Colin L.Powell
biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới
ngày 22 tháng 6 năm 2003

Trong thập kỷ qua, những tiến bộ đáng kinh ngạc về công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) đã làm thay đổi lối sống, học tập và kinh doanh của chúng ta.

Liệu công nghệ này có đối phó nhanh hơn đối với những cuộc khủng hoảng y tế như Hội chứng đường hô hấp cấp (SARS), mang giáo dục đến cho những người nghèo, tăng cường sự minh bạch trong chính phủ hoặc tạo ra những hình thức thương mại mới hay không, nhưng thực tế là công nghệ đang làm biến đổi thế giới của chúng ta.

ICT đã trở thanh một công cụ mới để đạt được sự phát triển về kinh tế và xã hội. Trênthực tế, trong những năm vừa qua đã hình thành một sự đồng thuận trên toàn cầu rằng công nghệ dựa trên thông tin có ý nghĩa căn bản trong việc đạt được các mục tiêu phát triển cơ bản.

Sự thịnh vượng trong tương lai và cuộc sống tốt đẹp cho tất cả các quốc gia kể cả Hoa Kỳ hiện nay đang phụ thuộc một phần vào khả năng của chúng ta trong việc tiếp cận và sử dụng một cách hiệu qủa những công cụ mới này.

Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu điều đó vẫn là một mục tiêu khó đạt được. Hiện nay, số lượng người sử dụng Internet trên thế giới vượt qua con số 500 triệu và khoảng 40% trong số đó là ở Hoa Kỳ. Trong 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng điện thoại trên toàn cầu đã tăng lên gấp đôi, nhưng số lượng điện thoại cố định tại khu Manhattan của Thành phố New York vẫn lớn hơn trên toàn châu Phi. Mặt khác, công nghệ đang làm mọi thứ thay đổi đáng kinh ngạc ở hầu hết mọi nơi -- ví dụ, hiện nay ở châu Phi số điện thoại cầm tay lớn hơn nhiều so với số điện thoại cố định truyền thống.

Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Xã hội Thông tin

Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Xã hội Thông tin của Liên Hợp Quốc (WSIS), dự định sẽ diễn ra từ ngày 10-12 tháng 12 tại Geneva, sẽ tập trung thảo luận về những thách thức này.

Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là hội nghị mới nhất trong một loạt các hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc tập trung vào vấn đề phát triển. Sẽ có hơn 50 nhà lãnh đạo các quốc gia và chính phủ trên thế giới tham dự. Giai đoạn hai của hội nghị sẽ được tổ chức tại Tunis, từ ngày 16-18 tháng 11 năm 2005. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế đang đóng góp cho việc chuẩn bị thực hiện cả hai giai đoạn.

Sứ mạng của hội nghị thượng đỉnh là đưa ra một tầm nhìn rõ ràng và một kế hoạch cụ thể để đưa ICT vào phục vụ sự phát triển.

Những vấn đề nào sẽ định hướng hoạt động của hội nghị thượng đỉnh?

Sự phát triển bắt đầu bằng sự tự do. Quyền tự do đổi mới, sáng tạo và chia sẻ ý tưởng với mọi người trên thế giới là nền tảng của một xã hội thông tin mở rộng có tính toàn cầu. Tầm nhìn ưu việt của chúng ta về xã hội thông tin là mở rộng quyền tự do chính trị và kinh tế bằng cách mang lại cho người dân cơ hội tiếp cận và sử dụng thông tin để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cụ thể hơn, chúng ta tin rằng sự thành công trong việc mang lại quyền tự do và xây dựng một chương trình nghị sự ICT vì sự phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố căn bản.

Một cách tiếp cận chiến lược

Trước tiên, chúng ta thấy rằng các nước cần tập trung vào việc tạo ra một môi trường chính sách đối nội có tác dụng khuyến khích tư nhân hóa, cạnh tranh và tự do hóa, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cho đến nay, đầu tư tư nhân là nguồn tài trợ lớn nhất cho việc phát triển, triển khai, bảo dưỡng và hiện đại hóa các mạng lưới truyền thông và thông tin trên thế giới. Những chính sách công không tích cực thu hút nguồn đầu tư sẽ làm chậm lại sự phát triển.

Trên thế giới đang xuất hiện những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy các luật lệ tạo thuận lợi cho cạnh tranh đang mang lại hiệu qủa to lớn. Ví dụ, ở Uganda, cuộc chiến tranh giá cả đã nổ ra vào năm ngoái trong lĩnh vực truyền thông đầy tính cạnh tranh của nước này. Chi phí mỗi phút gọi điện thoại giảm và một số công ty giảm bớt phí dịch vụ. Kết qủa là đã tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và cước phí rẻ hơn cho người sử dụng.

Thứ hai, điều cấp bách là phải xây dựng năng lực con người. Người sử dụng phải có khả năng để sử dụng hiệu qủa các công cụ của ICT. Nếu không được giáo dục và đào tạo đầy đủ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ mang lại ít kết quả.

Giáo viên, học sinh, chuyên gia y tế, người dân và doanh nghiệp phải có kiến thức cần thiết để tận dụng tối đa các ứng dụng đào tạo từ xa, chăm sóc sức khỏe trực tuyến, chính phủ điện tử và kinh doanh điện tử.

Để sử dụng hiệu quả, các công cụ của ICT cũng cần phải thích ứng với nhu cầu của địa phương. Những nội dung phản ánh văn hóa địa phương và được thể hiện bằng ngôn ngữ mà người sử dụng lựa chọn có ý nghĩa quyết định đối việc duy trì sử dụng ICT một cách hiệu quả. Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng những nội dung này cần được phổ biến rộng rãi.

Đồng thời, cũng cần tránh áp đặt những hạn chế về nội dung. Các ấn phẩm và phương tiện truyền thông không bị kiểm duyệt sẽ cung cấp thông tin trung thực và khách quan và là phương tiện để người dân thể hiện quan điểm và tư tưởng một cách cởi mở và tự do.

Những rào cản nhân tạo hạn chế một cách không cần thiết nguồn thông tin và tin tức chính là kẻ thù của sự cải tiến, cản trở sáng tạo tri thức và ngăn cản sự giao lưu về tư tưởng vốn rất cần thiết để con người nâng cao cuộc sống của mình.

Việc hiện thực hóa nhiều "cơ hội kỹ thuật số" thông qua các phương tiện công nghệ phụ thuộc vào khả năng tiếp cận thông tin. Ví dụ, chính phủ điện tử có thể làm tăng sự minh bạch, tính trách nhiệm và khả năng tiếp cận chính phủ và dẫn đến việc ra các quyết định phát triển tốt hơn chừng nào các chính phủ sẵn sàng chia sẻ thông tin với người dân.

Thứ ba, người sử dụng phải có khả năng sử dụng công nghệ ICT với sự tin tưởng sẽ đạt được lợi ích về kinh tế và xã hội mà những công nghệ này mang lại. Các công cụ ICT đảm bảo an ninh mạng và các mạng thông tin không bao giờ là không thể bị tấn công. Nhưng các quốc gia có thể bảo vệ hạ tầng công nghệ thông tin của mình bằng cách ban bố các luật đặt và quy định quyền hạn nhiệm vụ hiệu quả.

Các công ty, người tiêu dùng và người dân có thể đóng góp bằng cách nâng cao nhận thức và thực hiện các hướng dẫn bảo vệ an ninh mạng được công nhận rộng rãi do Hoa Kỳ và các đối tác trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế biên soạn. Chúng ta có thể cùng nhau tạo ra một nền văn hóa toàn cầu về an ninh mạng để bảo vệ tất cả những người sử dụng, bất kể họ sống ở nơi nào.

Ngoài việc tạo ra môi trường chính sách đúng đắn, xây dựng năng lực và bảo vệ các mạng thông tin, các chính phủ cũng có thể tránh dựng lên các rào cản mới, làm ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm sử dụng ICT để đạt được các mục tiêu phát triển.

Dù nó làm yếu đi sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, làm hạn chế tự do báo chí, hay buộc các chính phủ phải quản lý một cách không cần thiết về mặt kỹ thuật đối với Internet, những biện pháp sai lầm như vậy có thể nhanh chóng làm giảm bớt sự lựa chọn, kìm hãm sự cải tiến và dân chủ và làm tăng chi phí.

Cộng tác vì sự phát triển

Sự tham gia của Chính phủ Hoa Kỳ tại WSIS chỉ là một khía cạnh trong cam kết của chúng ta đối với việc sử dụng ICT để thúc đẩy phát triển. Trong những năm qua, rất nhiều chương trình hỗ trợ của chúng ta đã lồng ghép cả ICT nhằm đạt các mục tiêu kinh tế và xã hội.

Sáng kiến Tự do Kỹ thuật số (DFI) là một trong những ví dụ điển hình về cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ đối với việc sử dụng những công cụ hiện đại nhất để đạt được những mục tiêu phát triển lâu dài. Chương trình này phát huy kết qủa của các sáng kiến trước đó của Chính phủ Hoa Kỳ, kể cả Sáng kiến Leland, được khởi xướng năm 1996, và sáng kiến Internet vì Phát triển Kinh tế năm 1999.

Sáng kiến DFI thúc đẩy các thương gia và doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển sử dụng ICT và nâng cao hạ tầng cơ sở hiện có để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Sáng kiến này còn giúp các nước trong việc xây dựng chính sách ủng hộ cạnh tranh và tạo ra môi trường quản lý tạo điều kiện cho việc hình thành các doanh nghiệp mới.

Chương trình thí điểm được công bố vào tháng 3 năm 2003 trong một buổi lễ tại Nhà Trắng và được bắt đầu triển khai ở Senegal. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC trong các ngày 20-21 tháng 10 năm 2003 ở Bangkok, Tổng thống Bush đã tuyên bố rằng Peru và Indonesia sẽ tham gia chương trình này.

Trong 5 năm tới, sẽ có hàng chục nước có thể được mời tham gia chương trình này.

Chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy việc sử dụng ICT vì mục đích phát triển thông qua nhiều chương trình khác, bao gồm:

  • Hàng trăm dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ đang sử dụng ICT để giải quyết các vấn đề về y tế, giáo dục và năng lực;

  • Các hội thảo về "hậu cần điện tử" do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ nhằm cung cấp những thông tin tư vấn thực tiễn cho các chủ doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn nâng cao năng suất và mở rộng kinh doanh sang các thị trường mới;

  • Các chương trình quản lý và đào tạo kỹ thuật của Viện Đào tạo Viễn thông Hoa Kỳ trong 20 năm qua đã đào tạo hơn 6,200 chuyên gia ICT từ 163 nước đang phát triển; và

  • Chương trình tiếp cận và đào tạo về Internet trị giá 30 triệu đô-la nhằm phát triển các kỹ năng sử dụng Internet và kiến thức về máy tính cho các dân tộc tại khu vực Cận Đông đồng thời với việc thúc đẩy tự do thông tin và tư tưởng.

Những chương trình này dù là một sáng kiến nhằm thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ không dây hay là những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của "chính phủ điện tử”, tất cả các chương trình ICT vì mục đích phát triển đều dựa trên những bộ phận cấu thành đã nói ở trên.

Chúng ta tin tưởng rằng những nền tảng này có thể giúp tất cả các nước đạt được tiến bộ về kỹ thuật số và mục tiêu thịnh vượng, qua đó hỗ trợ cho con cháu chúng ta và các thế hệ trong tương lai.


Toàn văn bằng tiếng Anh có trên Internet tại:
http://usinfo.state.gov/journals/itgic/1103/ijge/gj01.htm
Back to top


Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội
Phòng Thông tin - Văn hóa | Trung tâm Thông tin-Tư liệu | Các tư liệu dịch


Bảo vệ thông tin cá nhân
Trang web này do Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội xây dựng và cập nhật.